Sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động ra sao khi có Long Thành?
Sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động ra sao khi có Long Thành?
Các hãng hàng không Việt Nam sẽ khai thác các đường bay quốc tế dài ở Long Thành, đường bay quốc tế ngắn ở Tân Sơn Nhất.
Việc phân chia khai thác các chuyến bay đi đến các sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất đang được các cơ quan chức năng tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả khai thác của cả 2 sân bay sau khi sân bay Long Thành hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác.
Đường bay quốc tế dài ở Long Thành, quốc tế ngắn ở Tân Sơn Nhất?
Tại báo cáo đầu kỳ công tác khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án CHK quốc tế Long Thành, trên cơ sở đề xuất của liên danh Tư vấn Nhật Bản - Pháp - Việt Nam (JFV), Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đã đề xuất phương án phân chia khai thác 2 CHK quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất.
Theo đó, các hãng hàng không nước ngoài cung cấp dịch vụ đầy đủ sẽ khai thác ở Long Thành, các hãng chi phí thấp sẽ khai thác ở Tân Sơn Nhất. Các hãng hàng không Việt Nam sẽ khai thác các đường bay quốc tế dài ở Long Thành, đường bay quốc tế ngắn ở Tân Sơn Nhất.
Dự án CHK quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD (tương đương hơn 336 nghìn tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 5,4 tỷ USD. Giai đoạn 1, sẽ đầu tư xây dựng một đường cất/hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. |
Trong nội địa, 50% các đường bay đến khu vực Đồng bằng sông Hồng của Vietjet và Jetstar Pacific và 25% của Vietnam Airlines sẽ khai thác tại Long Thành. Tân Sơn Nhất sẽ khai thác số còn lại.
Đánh giá về đề xuất này, Cục Hàng không VN cho rằng, hệ thống pháp luật về hàng không dân dụng trên thế giới cũng như tại Việt Nam đều không có bất kỳ tiêu chí đánh giá chính thức nào để phân biệt giữa hãng hàng không dịch vụ đầy đủ và hãng hàng không chi phí thấp.
“Các hãng hàng không có thể tự do lựa chọn hình thức kinh doanh theo mô hình dịch vụ đầy đủ hoặc chi phí thấp nhưng đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung về an toàn, an ninh theo quy định của pháp luật”, lãnh đạo Cục Hàng không VN nói và khẳng định: Phương án phân chia các hãng hàng không nước ngoài theo tiêu chí dịch vụ là không phù hợp với quy định của pháp luật và không có tính khả thi.
Cũng theo Cục Hàng không VN, nếu phân chia như vậy còn tạo sự phân biệt đối xử khi các hãng dịch vụ đầy đủ và giá rẻ khai thác trên cùng đường bay quốc tế. Hơn nữa, phương án phân chia khai thác đường bay quốc tế của hãng hàng không VN theo tiêu chí ngắn/dài là không cụ thể, khó lượng hoá để tính toán công suất cảng hàng không.
Được biết, Cục Hàng không VN cũng đề xuất 2 phương án để tham vấn ý kiến của các hãng hàng không. Cụ thể, theo phương án 1, tại CHK quốc tế Long Thành sẽ khai thác toàn bộ đường bay quốc tế có khoảng cách từ 1.000km trở lên bằng bất kỳ loại tàu bay nào và các đường bay khác theo lựa chọn của hãng hàng không. Tân Sơn Nhất sẽ khai thác các đường bay quốc tế cho các hãng hàng không khai thác bằng tàu bay mã C (A321/320, B737) trở xuống trên các đường bay dưới 1.000km. Riêng các đường bay nội địa ở Long Thành và Tân Sơn Nhất sẽ do hãng hàng không lựa chọn.
Phương án 2 của Cục Hàng không VN thay vì phân biệt bằng đường bay trên/dưới 1.000km sẽ phân chia bằng toàn bộ đường bay ngoài ASEAN ở Long Thành, trong nội vùng ASEAN ở Tân Sơn Nhất. Các đường bay khác giống phương án 1.
CHK quốc tế Long Thành được thiết kế theo hình hoa sen cách điệu |
Hãng hàng không đề xuất gì?
Góp ý cho phương án phân chia khai thác, Vietnam Airlines đề xuất một phương án hoàn toàn khác là khai thác toàn bộ hoạt động quốc tế thường lệ và các đường bay nội địa tùy chọn tại Long Thành, Tân Sơn Nhất chỉ khai thác nội địa.
Phương án này theo các chuyên gia sẽ tiện cho quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc dừng khai thác đường bay quốc tế thường lệ đến Tân Sơn Nhất là không phù hợp với quy hoạch của CHK này, đồng thời có thể gây tình trạng quá tải tại CHK quốc tế Long Thành ngay sau khi đưa vào khai thác.
Hai hãng hàng không Vietjet và Jetstar Pacific cơ bản nhất trí phương án 2 của Cục Hàng không VN. Tuy nhiên, Vietjet đề nghị có thể xem xét mở rộng phương án 2 theo hướng bỏ hạn chế kết nối quốc tế Tân Sơn Nhất với nội vùng ASEAN mà cho phép kết nối tới các quốc gia bất kỳ, giữ nguyên điều kiện hạn chế về loại tàu bay khai thác. Jetstar Pacific đề xuất cân nhắc nghiên cứu thêm phương án, về quốc tế, CHK quốc tế Long Thành sẽ khai thác tất cả các chuyến bay hàng hoá, khai thác các chuyến bay mới của tất cả các hãng khi Tân Sơn Nhất không còn năng lực tiếp nhận và các chuyến bay khác theo lựa chọn của hãng hàng không.
CHK quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ khai thác các chuyến bay quốc tế của các hãng theo chính sách hỗ trợ khi có những thua thiệt về lợi thế cạnh tranh do chuyển sang khai thác tại Long Thành và những đường bay khác theo lựa chọn của hãng.
Được biết, trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không VN đã xây dựng phương án thống nhất chung trên cơ sở đề xuất của các đơn vị trong ngành với các tiêu chí là: Duy trì khai thác quốc tế, quốc nội tại cả 2 cảng; Đảm bảo cơ hội khai thác cân bằng, không phân biệt đối xử; phù hợp với quy mô đầu tư theo phương án tiền khả thi đã được Quốc hội phê chuẩn.
Cụ thể, tại Long Thành, về quốc tế, đề xuất cho khai thác toàn bộ đường bay từ 1.000km trở lên và các đường bay khác theo lựa chọn của hãng và các đường bay mới của tất cả các hãng khi Tân Sơn Nhất không còn năng lực tiếp nhận. Các chuyến bay không thường lệ cũng sẽ được khai thác tại đây. CHK quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ chỉ khai thác các đường bay dưới 1.000km bằng tàu bay mã C trở xuống.
“Tiêu chí phân chia sẽ được xem xét lại sau 5 năm đầu khai thác thực tế”, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng khẳng định.
Theo một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không, phân chia khai thác như thế nào đi nữa cũng phải đảm bảo mục tiêu khai thác hiệu quả nhất cả 2 sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, trên cơ sở lợi ích chung của quốc gia. “Phương án điều tiết đưa ra phải có tình, có lý, dung hoà lợi ích của các bên, trên cơ sở thị phần, số lượng chuyến bay hiện tại. Ai cũng muốn khai thác ở Tân Sơn Nhất thì sân bay này sẽ vẫn quá tải, Long Thành xây xong để làm gì”, vị này nói.